Chàng trai Việt đi xe máy đến Paris tiết lộ tổng kinh phí


Số tiền Khoa chi cho ăn uống, xăng xe, nhà nghỉ... trong hành trình từ Sài Gòn đến Paris là gần 10.000 USD, nhưng đó chưa phải tất cả.

Sau khi Trần Đặng Đăng Khoa kết thúc chặng một trên hành trình đi xe máy vòng quanh thế giới, câu hỏi anh nhận được nhiều nhất là xin visa thế nào và chi phí hết bao nhiêu. Vừa qua, Khoa đã dành thời gian giải đáp các thắc mắc này và câu trả lời của anh khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Chi phí cho chuyến đi

Có ý kiến cho rằng để thực hiện chuyến đi này, anh cần khoảng một tỷ đồng. Nhưng thực tế, Khoa đã tiêu hết 10.000 USD cho các khoản. Cuối mỗi ngày, anh đều dành thời gian để thống kê lại các khoản đã chi trong ngày, và tổng kết số tiền bỏ ra cho mỗi nước.

Khoa được cảnh sát Iran hộ tống qua đoạn nguy hiểm.

"Đến khi nhìn lại mình mới bất ngờ, nước mình phải chi nhiều nhất là Thái Lan với 50 triệu đồng, sau đó đến Georgia vì ở một tháng với 33 triệu, Hy Lạp là 20 triệu do mang theo xe máy khi khám phá một số đảo nổi tiếng, tiếp đến là Pakistan", Khoa tổng kết.

Anh ban đầu cho rằng nước nổi tiếng đắt đỏ như Thụy Sĩ sẽ ngốn nhiều ngân sách, nhưng thực tế lại không trong top điểm đến Khoa chi tiêu nhiều nhất do được cho ngủ nhờ. Trong khi đó, tại Thái Lan chi phí của anh phát sinh vì theo quy định mới, khách lẻ không được tự do đi xe máy tại quốc gia này mà phải thông qua một công ty du lịch. Chi phí cho việc này là hơn 500 USD, ngoài ra, anh còn mất thêm phí ship xe từ Bangkok đến Kathmandu (Nepal), do Myanmar không cho phép khách nước ngoài đi xe máy qua.

Trong số 10.000 USD, 20% là dành cho ăn uống, 25% cho chỗ ngủ, 10% cho xăng, 5% để sửa chữa, bảo dưỡng xe và mất 40% là cho chi phí khác. Khoa cho biết phần ăn uống anh không quá tiết kiệm vì muốn tận hưởng ẩm thực địa phương. Chỗ ngủ để tiết kiệm hơn có thể ngủ dorm hoặc cắm trại, nhưng anh từng bị trộm và có một mình nên anh thường chọn nhà nghỉ phòng đơn.

Chi phí cho xăng xe của Khoa khiến nhiều người ngạc nhiên vì khá khiêm tốn. Anh cho biết ở các quốc gia giàu dầu mỏ anh đi qua giá xăng rất rẻ, như ở Iran chỉ khoảng 8.000 đồng/lít. Còn ở châu Âu, giá xăng cao, anh không đi quá nhiều.

Tất cả đồ đạc được chồng lên chiếc xe máy cùng Khoa trên mọi nẻo đường.

40% cho chi phí khác gồm ship xe, vé tàu, quần áo lạnh, visa, vé tham quan, đổi tiền, quà lưu niệm... Với anh, đây là khoản tiêu tốn ngoài dự tính nhưng rất đáng. Vì ngoài giải quyết các vấn đề phát sinh do thay đổi lịch trình như phải ship xe, mua vé tàu... anh không quên thăm thú các điểm nơi mình đến.

Tuy nhiên, 10.000 USD chưa phải tất cả số tiền Khoa đã chi cho chuyến đi vừa qua. Trước khi khởi hành, anh phải chuẩn bị rất nhiều thứ như giấy tờ, vật dụng... với tổng số tiền là gần 100 triệu đồng. Ngoài số tiền tích lũy trước đó, Khoa bật mí cách kiếm tiền trên đường đi như viết báo, bán ảnh, quảng bá một số sản phẩm... nhưng không quên nghĩa vụ đóng thuế theo quy định.

Cần chuẩn bị những gì

Trải qua 20.000 km, qua 23 nước nhưng trên thực tế Khoa chỉ phải xin 3 visa trước khi đi gồm Schengen, Ấn Độ, Pakistan và xin thêm visa Iran trên hành trình. Trong đó, các nước Đông Nam Á miễn visa cho người Việt (Campuchia, Thái Lan), có nước cấp visa on arrival (Nepal), các nước còn lại chỉ cần có visa Schengen là nhập cảnh dễ dàng.

Theo kế hoạch, hành trình của Khoa sẽ đi qua Thổ Nhĩ Kỳ - đất nước nối hai lục địa Á - Âu, nhưng visa Schengen chỉ áp dụng cho khách đi bằng đường hàng không nên anh phải đổi hướng.

Với Khoa, 150 ngày rong ruổi xe máy không vất vả bằng ba tháng trước khi khởi hành. Bởi anh phải chuẩn bị kỹ lưỡng các giấy tờ cần thiết, trong đó tốn thời gian nhất là Carnet de Passages en Douane (CPD). Khoa ví đây như cuốn hộ chiếu dành cho xe và phải có khi nhập cảnh vào một số nước như Nepal, Ấn Độ, Pakistan và Iran. Loại giấy này không được cấp ở Việt Nam nên anh phải xin ở Malaysia (ngoài phí cấp còn tiền đặt cọc gấp 3 lần giá trị xe).

Một điểm dừng chân của Khoa gần Paris, Pháp.

Khoa dự định gửi xe máy từ Đức sang Chile, khám phá Nam Mỹ, Trung Mỹ (có thể cả Bắc Mỹ), rồi sang Australia, về Đông Nam Á và trở lại Việt Nam trong 365 ngày tới. Một lộ trình khác là từ Ushuia, Argentina, Khoa mua vé đi Nam Cực, rồi từ Perth (Australia) đi tàu qua Đông Phi, lang thang Kenya, Tanzania... xong đi tàu qua Mumbai, Ấn Độ rồi về lại Việt Nam. Với chặng tiếp theo này, anh xin visa Mỹ trước để có thể nhập cảnh dễ dàng ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, các lịch trình có thể thay đổi do visa, thời tiết, tàu xe...

Theo Vy An - Vnexpress

 
Du lịch trong nước hay nước ngoài? Lên rừng hay xuống biển, độc hành, đi cùng gia đình hay bạn bè? Liên hệ với Taybactravel.com / Hotline: 0978.860.085 / 0964.64.21.12 Để cập nhật thông tin Tour, những ưu đãi và tư vấn nhé ! 😊