Hà Giang là vùng cao nguyên núi đá, nơi đây luôn hấp dẫn và lôi cuốn du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, bao la và thoáng mát, bên cạnh đó ẩm thực Hà Giang với những món ngon đặc sản mang hương vị núi rừng khiến ai đã một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi mùi vị đặc trưng nơi đây. Hà Giang còn là nơi sinh sống của các dân tộc như Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy,…bởi vậy khi đến với nơi đây bạn còn được khám phá và tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc Hà Giang....
Người Mông ở Hà Giang có số dân đông nhất chiếm trên 31% các dân tộc trong tỉnh, với 2 nhóm chính là Mông trắng và Mông hoa sinh sống chủ yếu ở các Huyện phía bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và hai huyện phía tây là Hoàng Su phì, Xín Mần.
Cư trú xen kẽ với các dân tộc: Dao, Lô Lô, Pu Péo, Cờ Lao, Tày, Nùng ... Người Mông ở đây nổi tiếng với truyền thống canh tác nương đá, trồng lúa, ngô và các loại hoa màu khác. Sản xuất thủ công của đồng bào Mông đạt đến trình độ khá cao như dệt, đan lát, làm đồ gỗ, rèn đúc...
Văn hoá truyền thống người Mông là một kho tàng hết sức phong phú với trang phục độc đáo, những phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng. Các dòng họ người Mông có cách thờ cúng tổ tiên không giống nhau. Một số lễ cúng chính như cúng ma cửa (xia mình), ma lớn mụ (đa trung) với số lượng, nội dung các bài cúng, bài trí, sắp xếp nơi cúng, nơi ăn uống đa dạng và phức tạp. Văn học nghệ thuật Mông thể hiện tâm lý, ý thức của cộng đồng, các vấn đề về tự nhiên, xã hội và lịch sử. Nổi bật trong đó là những khúc hát về tình yêu, được thể hiện bằng khèn, sáo, đèn môi, kèn lá.
Tất cả là những tài sản vô giá của cộng đồng người Mông được lưu giữ từ lâu đời.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông
Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông rất độc đáo. Một bộ nữ phục bao gồm váy, áo cánh, áo xẻ ngực có yếm lửng, thắt lưng, khăn quấn đầu, xà cạp... Váy thường là hình nón cụt, xếp nếp xoè rộng, cũng có khi là váy ống, khi mặc xếp ở hai bên hông. Hoa văn trang trí trên váy là các hình bướm, rắn, hoa, răng bừa, mắt chim, chân lợn... màu sắc hài hoà
Tập quán ăn và ở
Lương thực chính của người Mông là ngô, họ chế biến thành mèn mén (dùng thay cơm), và làm bánh trong những ngày lễ tết, hội hè.
Mèn mén, món ăn độc đáo của người Mông
Mèn mén là ngô bột được xay nhỏ bằng cối đá, sau đó sàng thật sạch rồi cho nước vừa phải để nhào trộn thật tơi, xốp cho vào chõ để đồ, khi hơi toả đều trên mặt chõ, lại đổ ra nia nhào nước và cho vào chõ đồ lần thứ hai đun cho tới khi chín. Vì bận công việc nương rẫy, hơn nữa làm mèn mén mất nhiều thời gian nên người Mông thường đồ một chõ đầy, đủ ăn cả ngày.
Bánh ngô được làm bằng ngô nếp hoặc ngô tẻ non, nếu là ngô non bà con chọn quả ngô bánh tẻ, bấm ra sữa, chưa tẽ được, lấy dao mỏng lát lấy hạt ngô, sau đó cho vào cối xay được thứ nước quánh đặc như sữa. Gói bột ngô đó vào lá cho vào chõ đồ thành bánh. Đối với ngô nếp bà con xay bột rồi ủ nước, thu được thứ bột giống bột gạo người Việt làm bánh phở, gói lại cho lên bếp đồ thành bánh.
Thức ăn hàng ngày của người Mông gồm rau cải, đậu, bí đỏ. Ngày mùa, ngày tết, ngày lễ có thêm thịt gà, thịt dê, thịt lợn hoặc thịt bò. Thịt lợn có thể là thịt lạp treo trên bếp làm thức ăn dần; thịt bò có thể là thịt khô treo gác bếp, người Mông làm thức ăn thường ninh nhừ, ít có món xào, gia vị thường có ớt, gừng. Bình thường không có khách cả nhà người Mông ngồi ăn chung, nếu có khách thì đàn ông và khách ăn trước, phụ nữ, trẻ em ăn sau.
Ngoài ra người Mông còn có một món ăn trong các phiên chợ, ngày hội, đó là Thắng Cố, là món thịt thái to, cả xương, lòng gia súc gồm: thịt dê hoặc thịt bò hầm nhừ trong chảo, dùng ăn nóng.
Nhà người Mông ở Đồng Văn
Nhà ở của người Mông khá khang trang có 3 gian, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên. Các cửa chính và cửa phụ đều mở về phía trong. Nhà gỗ lợp tranh, lá, phên vách hoặc nhà trình tường lợp ngói âm – dương. Trong nhà thường có gác để cất giữ lương thực, thực phẩm và đồ dùng. Nhà người Mông làm thống nhất theo một khuôn mẫu nhất định theo dáng chữ đinh, nhà to hay nhỏ đều làm ba gian.
Tập quán canh tác và chăn nuôi của Người Mông
Nương trên đá tai mèo ở Đồng Văn -Mèo Vạc
Người Mông chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy và ngô là nương thực chính của người Mông. Ngoài trồng Ngô, người Mông còn trồng các cây khác: Đậu tương, khoai, dong giềng... Cây ăn quả: Mận, Táo, Lê, Đào... và các cây dược liệu như Xuyên khung, ý dĩ...Nương của người Mông có hai loại: Luân canh và quản canh. Về thời vụ: trước kia người Mông trồng độc canh cây ngô, sau này do áp dụng khoa học kỹ thuật người Mông đã chuyển từ một vụ sang trồng 2 - 3 vụ.
Do đất ít, chủ yếu canh tác trong các hốc đá nên người Mông có kỹ thuật thâm canh, xen canh khá cao: Trong một nương ngô người Mông có thể trồng cả bí, dưa .
Ruộng bậc thang ở Hà Giang
Ngoài các cây trồng trên, người Mông còn rất chăm chút đến một loại cây trồng nữa đó là cây lanh. Cây lanh được người Mông dành cho vạt đất tốt nhất, cho nhiều phân chuồng nhất để gieo hạt, sợi lanh dai và bền hơn sợi đay. Phụ nữ Mông dùng sợi lanh để dệt vải, may váy. Đã là phụ nữ Mông thì hầu hết không ai là không biết nghề dệt vải truyền thống. Bên cạnh làm nương rẫy người Mông còn chú ý đến công việc chăn nuôi gia súc, gia cầm vì kinh tế của người Mông chủ yếu là tự cấp, tự túc. Chuồng gia súc người Mông làm ngay trước cửa nhà, có lát ván và làm vệ sinh hàng ngày. Người Mông quan niệm: Vạn vật đều có hồn, đối với vật nuôi trong nhà đều có "đá chỏ" (ma tổ) vì vậy khi mua vật về nuôi đều phải làm lễ, lễ rất đơn giản: Một nén hương, bát nước, một mụn vải đỏ buộc vào chuồng nơi con vật ở.
Vật nuôi của người Mông là con bò, con ngựa.., bò dùng để làm sức kéo (cày nương), ngựa dùng để cưỡi và thồ hàng. Khi bán và đổi ngựa người Mông giữ lại bộ yên cương vì họ cho rằng, có giữ lại bộ yên cương thì mua con ngựa sau mới tốt. Bên cạnh đó người Mông còn nuôi dê, lợn, gà, ngan, ngỗng...Những vật nuôi này người Mông thường để làm thức ăn dần trong gia đình, rất ít khi mang đi bán. Còn một loại vật nuôi là đặc sản quý của người Mông đó là nuôi ong. Ong vùng núi cao hít thở khí trời trong lành và hương hoa núi rừng nên cho một thứ mật sánh xanh, ngọt thơm - Đây là loại dược liệu qúy dùng chữa nhiều bệnh tật của người Mông.
Tập quán hôn nhân
Hôn nhân của dân tộc Mông cũng giống các dân tộc khác trong nước về cơ bản là một vợ một chồng. Tình yêu trai gái từ bao đời đã được thể hiện trong ca dao, dân ca với khát vọng yêu đương và tự do lựa chọn bạn đời. Song hôn nhân của người Mông lại lệ thuộc vào nhiều lễ nghi, nhiều tập tục từ xưa để lại. Trong tập tục ấy có nhiều nét đẹp, song cũng có ít nhiều hạn chế. Hôn nhân của người Mông tiến hành theo ba bước: Dạm ngõ; Lễ hỏi; Lễ cưới.
Tập tục tang ma
Bàn thờ có lông gà được dán vào giấy bản để kính cáo tổ tiên.
Khi nhà có người chết, chủ nhân báo tin cho hàng xóm, anh em họ mạc, bằng cách bắn 3 phát súng kíp lên trời. Con cháu trong nhà đi mời gọi anh em, chú bác, mời thầy cúng, thầy kèn, trống. Tang chủ cùng anh em họp bàn tổ chức tang lễ: cử một người trong họ làm chủ quản, điều hành mọi việc trong những ngày có tang. Trong khi thầy cúng, thầy kèn chưa tới trong nhà không ai được khóc, người nhà đun một nồi nước nóng cắt một mảnh vải lanh mới ( không được dùng vải nào khác) làm khăn rửa mặt và tắm rửa cho người chết. Lau rửa xong, thay quần áo cho người chết, quần áo cổ truyền của dân tộc Mông may bằng vải lanh, vải tà pủ. Đầu người chết cuốn khăn tròn, không được dùng khăn vuông. Dù là đàn ông hay đàn bà đều được thắt ba tấm lưng: Xanh, đỏ, vàng , không để nút thắt sau lưng mà quay ra đằng trước, đàn ông đi tất, đàn bà quấn thêm xà cạp. Mặc cho người chết một chiếc áo bằng vải lanh dài bằng váy áo của dân tộc Tày. Khi thầy cúng đến đọc bài chỉ đường cho người đã khuất, lúc này trong nhà người thân mới được khóc.
Đám ma người Mông không buồn bã, thê thảm như một số dân tộc khác. Những người đến dự đám ma, khi thầy trống, thầy khèn múa thì tất cả có thể nhảy múa theo. Bởi người Mông quan niệm: Chết là về thế giới thực vì "Sống gửi, thác về" nên cần phải múa hát tiễn đưa người chết về với thế giới của họ. Sau 1 - 2 ngày, thầy cúng chọn giờ lành để đưa người chết đi chôn. Thường người chết được đưa ra khỏi nhà từ sáng sớm tinh mơ. Sau khi chôn cất được 13 ngày, 1 hoặc 2 tháng nhà nào có điều kiện thì làm ma khô cho người chết - Những nhà chưa có điều kiện làm ngay có thể để sau 6 tháng, 1 hoặc 2 - 3 năm.
( còn tiếp..! )