Tết Nguyên Đán có thể coi là ngày hội lớn của người Mông, đồng bào chuẩn bị cho những ngày tết rất chu đáo, cẩn thận
Người Mông cũng như các dân tộc khác coi ngày tết là những ngày quan trọng, ngày họ có thể làm tròn nghĩa vụ với anh em, họ hàng, láng giềng, với tổ tiên, với các vị thần mà họ tôn thờ.
Lễ Tết - Hội của người Mông
Ngày 25, 26 tháng Chạp, người Mông bắt đầu nghỉ ngơi, chuẩn bị đón Tết. Khi đó, họ phong tất cả các công cụ sản xuất lại, ví dụ như các lò rèn phải làm lễ đóng lò, cối xay ngô tháo ra, dán một tờ giấy bản lên rồi làm lễ với gà, bánh ngô, rượu.
Người Mông chuẩn bị giấy xanh, đỏ, giấy bản, gà trống, trứng gà, ngô, rượu, nước, những gia đình khá giả có thể mổ lợn, dê, bò ... làm lễ cúng tết. Đặc biệt ngày 30 tết là ngày trọng đại nhất: Họ làm lễ cúng đêm 30 rất cẩn thận và chu đáo. Sau giao thừa, người đàn ông mới được đi lấy nước, họ cầm 3 thẻ hương, 3 tờ giấy bản, cắm đốt ở đầu nguồn nước, khấn xin được lấy nước, nước lấy về qua cửa chính: 2 lần ra, 3 lần vào, sau đó đổ lên các chén trên bàn thờ làm nước cúng. Nước sáng mùng 1 là nước tinh khiết, uống vào người sẽ khoẻ mạnh và trừ được ma quỷ, vì thế họ đổ vào đun một ấm để uống.
Trước đây, người Mông không gói bánh chưng. Bây giờ thì có gói, nhưng bánh chưng không nhất thiết có trong bữa cỗ Tết của họ. Với họ, ba món không thể thiếu là thịt và rượu và bánh ngô. Trong ngày Tết, nhất thiết mỗi nhà phải có một mâm bánh dầy được làm từ những hạt gạo nếp nương do chính tay người Mông làm ra.
Người Mông không đón giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng Một mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Tối hoặc nửa đêm 30, người ta cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà còn sống (và phải là gà trống, mà tốt nhất là gà trống tơ). Sau đó mới mang lợn và gà ấy đi giết thịt (nhà nào giàu có thì thịt một con lợn từ 28, 29 để ăn trước). Thịt xong đem cúng một mâm thịt chín, rồi ăn cơm uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên.
Từ mùng 1 trở đi họ mặc quần áo mới, đi hài đi chơi. Ném papao là một trong những trò chơi ngày Tết mà người Mông rất thích; ngoài ra còn múa khèn, múa ô, chơi cầu lông gà, hát ống, hát dân ca, đua ngựa, bắn nỏ...
Mùng một họ làm cơm mới, thịt mới, nước mới cúng tổ tiên. Mùng 2, mùng 3 tết họ lấy cơm thịt của ngày mùng 1 đi nhét vào các cây ăn quả quanh nhà để lấy phúc cho cây, cây sẽ sai quả cho mùa bội thu.
Tết của người Mông tại Hà Giang (st)
Ngoài tết nguyên đán, người Mông còn ăn tết rằm tháng giêng (15 - 1 âm), tết thanh minh (3-3), tết đoan ngọ (5-5), rằm tháng 7 (15-7), tết trùng cửu (9-9) ... giống các dân tộc khác trong nước.
Các lễ hội khác: Lễ hội Gầu Tào; Lễ cúng mưa, cúng cơm mới người Mông làm rất đơn giản và gọn nhẹ. Đặc biệt người Mông có phiên chợ tình (chợ Phong lưu) Khâu vai (huyện Mèo Vạc), mỗi năm có một phiên tổ chức vào ngày 27/3 âm. Chợ tình - người đến chợ không phải để bán mua mà là để gặp lại bạn tình xưa. Cả nhà: Ông, bà, cha, mẹ, con cái cùng đi, không có sự ghen tuông, nghi kỵ, những đôi lứa yêu nhau dù đã lên ông, lên bà, dù đã có vợ, có chồng đều có thể gặp lại bạn xưa để tâm tình công khai, tha thiết. Tan chợ ai về nhà nấy, còn quyến luyến, vấn vương gì thì lại đợi ngày này phiên chợ năm sau. Đây là một hình thức sinh hoạt độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc. Ngoài ra chợ tình cũng như phiên chợ thường, đều trở thành tụ điểm sinh hoạt văn hoá lành mạnh với các điệu múa khèn, xoè ô, đua ngựa, thổi kèn lá ... Chợ tình chính là ngày hội lớn của người Mông Hà Giang.
Lễ hội Gầu Tào của người Mông (st)
Đặc biệt, nói đến Tết của người Mông không thể không nói đến một lễ hội gọi là hội Sải Sán hay Gầu tào (hội cầu phúc). Một gia đình trong làng, nếu hay đau ốm hay chậm có con thì mùng 2 đi dựng một cây nêu lớn ở bãi cỏ đầu làng. Hội này tiếng là do một gia đình tổ chức (gia đình đó gọi là chủ nêu) nhưng thật ra đó là một lễ hội của cộng đồng, thậm chí khi làng này dựng nêu, làng khác cũng đến dự hội. Hội Gầu tào nhằm tạ ơn tổ tiên về mùa màng, súc vật; cầu cho con cháu đông đàn. Hội có thể kéo dài 3 ngày nếu 1 năm tổ chức một lần hoặc 9 ngày nếu 3 năm tổ chức một lần. Đây là lễ hội lớn nhất của người Mông trong năm và nó thể hiện rõ nhất những đặc trưng văn hoá Mông trong ngày Tết. Trong lễ hội này, sau phần lễ là hát giao duyên và các trò chơi yêu thích của người Mông cũng được mở ra.
Giữ gìn bản sắc văn hoá người Mông
Văn hoá người Mông rất đa dạng và phong phú với những làn điệu dân ca cổ truyền, những truyện cổ dân gian, những nhạc cụ truyền thống và các lễ hội độc đáo như: đón Tết, cưới xin, hát giao duyên, chợ tình ... Với các trang phục váy, áo sặc sỡ đó là nền văn hoá tiêu biểu trong 54 loại hình văn hoá của các dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh những tiến bộ, những ưu điểm của văn hoá Mông cần phát huy như: Bảo tồn các nhạc cụ dân tộc, các lễ hội (tết, chợ tình) của người Mông nhưng những mặt hạn chế cần được sửa đổi dần dần và huỷ bỏ một vài điểm như: Tang ma kéo dài ngày, ăn uống lãng phí, tảo hôn và hôn nhân cận huyết...
Các dân tộc nói chung, dân tộc Mông ở Hà Giang nói riêng đã được Nhà nước thực hiện nhiều chính sách ưu tiên để giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới như hỗ trợ cho các hộ gia đình vùng cao : Mỗi hộ được 1 mái nhà prôximăng, 1 bể nước xây, 1 con bò và những hồ treo trên những sườn đá... Giờ đây đến các xã người Mông nhà cửa khang trang và sáng sủa không còn những ngôi nhà tranh dột nát, vách đất như xưa nữa.